5,837
Bé bị cảm lạnh sổ mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị dứt điểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Có nhiều phụ huynh băn khoăn không biết nên làm gì mỗi khi con bị cảm lạnh sổ mũi. Vậy ngay bây giờ, bố mẹ hãy cùng Fysoline tìm hiểu xem cần phải làm gì mỗi khi bé bị cảm lạnh sổ mũi nhé!
1. Tìm hiểu về bệnh cảm lạnh sổ mũi ở trẻ
Cảm lạnh thông thường (Common cold), còn được gọi đơn giản là cảm lạnh, là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên, ảnh hưởng chủ yếu đến niêm mạc đường hô hấp của mũi, xoang mũi, hầu họng, và thanh quản.
Cảm lạnh và cảm cúm thoạt đầu nhìn có vẻ rất giống nhau. Cả hai đều là bệnh do virus gây ra trên đường hô hấp, có những triệu chứng tương tự nhau như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… nên khiến nhiều người nhầm lẫn.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị của hai bệnh này là khác nhau. Do đó, khi con bị sổ mũi, hắt hơi mẹ cần phân biệt rõ xem con bị cảm lạnh hay cảm cúm.
Dưới đây là một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại bệnh này, mẹ có thể tham khảo:
Triệu chứng | Cảm lạnh thông thường (Common cold) | Cảm cúm (Flu) |
Sốt | Ít gặp | Cao (39 – 40 độ C) |
Đau đầu | Hiếm gặp | Thường gặp |
Đau cơ | Nhẹ | Nặng |
Thời gian | Nhẹ, một vài ngày | Nặng, có thể 3 tuần |
Mệt mỏi nhiều | Ít gặp | Thường gặp |
Hắt hơi | Thường gặp | Đôi khi |
Ho/ đau ngực | Nhẹ | Trung bình – nặng |
Tuy nhiên, việc phân biệt hai bệnh này dựa trên triệu chứng không phải việc dễ dàng đối với các mẹ. Do đó, Fysoline khuyên mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Tìm hiểu thêm: 13 việc cần làm ngay khi trẻ bị cảm cúm sổ mũi
Khi bé bị cảm lạnh, bé thường có một số dấu hiệu điển hình như sau:
- Trong vài ngày đầu: Bé chảy nước mũi, nước mũi thường trong, màu trắng, sau đó bắt đầu ho nhẹ.
- Vài ngày sau: Nước mũi chuyển dần sang đục, có màu vàng hoặc xanh. Lúc này, mũi bị tắc, bé khó thở bằng mũi, bé ho nhiều và ho nặng hơn, đặc biệt là khi thở nhiều bằng miệng.
- Sau 5 – 7 ngày: Ho có đờm, nghe có tiếng lọc xọc ở lồng ngực khi ho. Bé đau họng, quấy khóc, kèm sốt.
- Bé có thể sốt kéo dài 3 – 5 ngày, thường không sốt cao (dưới 39 độ C). Sau đó sốt giảm dần, nhưng ho và đờm vẫn còn xuất hiện.
- Giữa ngày thứ 5 và 7: Nước mũi đặc hơn, ít xanh hơn, kèm ho nhiều.
- Trong tuần thứ 2: Ho giảm dần, mũi thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn đờm.
- Sau khoảng 3 tuần: Ho giảm nhiều và hết hoàn toàn vào tuần thứ 4.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chính như:
- Do virus gây ra: Cảm lạnh chủ yếu gây ra bởi một số loại virus như Rhinovirus, Coronavirus, Enterovirus (Coxsackievirus và Echovirus)… Trong đó họ Rhinovirus gồm hơn 100 chủng khác nhau là họ virus chính gây bệnh cảm lạnh.
- Lây nhiễm từ người mang virus: Các virus gây bệnh đường hô hấp kể trên có thể lây từ người sang người qua không khí, qua tiếp xúc và qua các giọt bắn khi trò chuyện. Do đó, khi trò chuyện hay đứng gần một người đang bị cảm lạnh, bé có thể sẽ bị cảm lạnh.
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết giao mùa là thời điểm thích hợp để các vi sinh vật sinh sôi nảy nở, cũng là thời điểm con người chưa kịp thích nghi nên sức đề kháng thường suy giảm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Do đó, khi thay đổi thời tiết, trẻ thường bị cảm lạnh, đặc biệt là vào mùa thu đông.
Vậy thì, các mẹ nên làm gì mỗi khi thấy con có dấu hiệu cảm lạnh, sổ mũi?
2. 8 bước chăm sóc khi bé bị cảm lạnh sổ mũi
Việc chăm sóc khi bé bị cảm lạnh sổ mũi không những giúp cải thiện tình trạng bệnh, giúp bé dễ chịu hơn mà còn góp phần phòng tránh các biến chứng sau này.
Dưới đây là 8 bước cơ bản cần làm khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, mẹ tham khảo nhé:
2.1. Cung cấp nước cho trẻ
Trẻ bị cảm lạnh cần nhất là được bổ sung đủ nước.
Khi bị cảm lạnh, sốt, cơ thể bé rất dễ mất nước. Cho nên việc cung cấp đủ nước thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, giúp tuần hoàn lưu thông và hỗ trợ cơ thể thoát hơi nước để hạ nhiệt khi sốt cao.
Vậy mẹ nên bổ sung bao nhiêu nước cho con là đủ? – Lượng nước bổ sung mỗi ngày cho bé sẽ phụ thuộc vào từng lứa tuổi.
Theo hướng dẫn của Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh lượng nước cần bổ sung cho bé theo độ tuổi mẹ có thể tham khảo cụ thể như sau:
Độ tuổi | Lượng nước cần bổ sung mỗi ngày |
Dưới 6 tháng tuổi | Trẻ ở giai đoạn này nên bổ sung nước thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. |
Từ 6 – 12 tháng tuổi | 125 mL – 250 mL (cả sữa và nước) |
1 tuổi | 250 mL |
2 tuổi | 500 mL |
3 tuổi | 750 mL |
4 tuổi | 1 L |
5 tuổi | 1,25 L |
6 tuổi | 1,5 L |
7 tuổi | 1,75 L |
Trên 8 tuổi | 2 L |
2.2. Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý
Khi bé bị cảm lạnh sổ mũi, mẹ nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ hằng ngày, nhất là khi nước mũi nhiều và đặc quánh.
Bụi bẩn, vi khuẩn, virus gây bệnh sẽ theo nước muối sinh lý trôi ra ngoài, giúp trẻ loại bỏ tác nhân gây bệnh cảm lạnh.
Đồng thời, nước muối sinh lý có khả năng làm loãng và rửa trôi dịch nhầy ở mũi, giúp mũi vừa sạch sẽ, vừa thông thoáng, hạn chế tắc mũi và khó thở cho bé khi bị cảm lạnh.
Sau đây, Fysoline sẽ hướng dẫn mẹ các bước cơ bản khi vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý cho bé:
Bước 1 – Chuẩn bị 2 – 4 miếng bông dạng con sâu kèn: Lấy vài miếng bông xếp lên nhau, 1 tay giữ đầu, 1 tay cuộn bông lại thành hình con sâu kèn.
Bước 2 – Thấm ướt bông sâu kèn bằng nước muối sinh lý: Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý lên các bông sâu kèn đã chuẩn bị để thấm ướt bông.
Bước 3 – Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé:
- Đặt bé ngồi, đầu nghiêng về một bên
- Nghiêng ống nước muối sinh lý cạnh thành mũi và nhỏ vài giọt vào mũi bé (số lượng giọt phụ thuộc vào tình trạng dịch mũi của bé nhiều hay ít)
- Làm tương tự với bên mũi còn lại
Bước 4 – Đưa bông sâu kèn vào vệ sinh mũi bé:
- Đặt đầu bông sâu kèn vào cánh mũi bé, vừa đẩy vừa xoáy nhẹ nhàng, cho đến khi bông vào sâu trong mũi rồi từ từ xoáy và rút ra. Lặp lại 1 lần nữa với bông sâu kèn mới.
- Làm tương tự với bên mũi còn lại.
2.3. Để trẻ nghỉ ngơi, thoải mái
Trẻ bị cảm lạnh thường mệt mỏi, lờ đờ, cáu kỉnh, khó thở, đau đầu, đau mình mẩy… Do đó, mẹ nên để con nghỉ ngơi thoải mái, hạn chế vận động mạnh.
Nghỉ ngơi không chỉ giúp bé cảm thấy dễ chịu mà còn tiết kiệm năng lượng, để cơ thể có thời gian kích hoạt hệ thống miễn dịch, tự tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
Mẹ nên khuyến khích bé nằm nghỉ ngơi trên giường, chơi những trò chơi không cần vận động thể lực và trí não nhiều… để con thấy thoải mái nhất có thể.
2.4 Cho trẻ ngủ đủ giấc
Cũng giống như nghỉ ngơi, ngủ giúp cơ thể bé thư thái, dễ chịu, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, ngủ còn giúp bé tạm quên đi những khó chịu do các triệu chứng cảm lạnh gây ra như: ngứa mũi, hắt hơi, đau đầu, mệt mỏi…
Chính vì vậy, khi con bị cảm lạnh, mẹ nên khuyến khích con ngủ đủ giấc mỗi ngày.
Do nhu cầu và thể trạng của từng lứa tuổi khác nhau nên thời gian ngủ cần thiết của mỗi độ tuổi sẽ khác nhau.
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), thời lượng ngủ cần thiết cho từng độ tuổi như sau:
Độ tuổi | Thời lượng ngủ cần thiết mỗi ngày |
0 – 3 tháng tuổi | 14 – 17 tiếng |
4 – 11 tháng tuổi | 12 – 15 tiếng |
1 – 2 tuổi | 11 – 14 tiếng |
3 – 5 tuổi | 10 – 13 tiếng |
6 – 13 | 9 – 11 tiếng |
Thời gian ngủ trên bao gồm cả giấc ngủ ban đêm và giấc ngủ ngắn ban ngày.
2.5 Giữ nhiệt độ cơ thể bé ổn định
Khi bị cảm cúm, bé thường có thân nhiệt không ổn định, có lúc sốt cao (39 – 40 độ C), có lúc lại cảm thấy ớn lạnh, gai rét.
Nếu thân nhiệt quá cao hoặc quá thấp liên tục mà mẹ không biết để chăm sóc kịp thời, bé rất có thể bị co giật, hệ tim mạch, tuần hoàn và thần kinh bị ngưng trệ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Cách đơn giản để theo dõi thân nhiệt bé là kẹp nhiệt độ. Khi con cảm lạnh, mẹ nên kẹp nhiệt độ cho con 2 – 3 giờ/ lần để theo dõi.
Nhiệt độ trung bình bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dao động trong khoảng: 36,6 – 37,2 độ C.
Thân nhiệt hạ khi nhiệt độ cơ thể dưới 36,6 độ C. Lúc này mẹ cần đắp thêm chăn, mặc thêm quần áo giữ ấm cho con. Mẹ cần đưa bé đi bác sĩ khi thân nhiệt hạ xuống dưới 35,5 độ C.
Bé có dấu hiệu sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 37,2 độ C. Lúc này mẹ có thể hạ sốt cho con bằng các biện pháp cơ học như: chườm ấm, uống nước ấm, cởi bỏ bớt áo và chăn… Mẹ nên cho bé uống thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ cơ thể cao trên 38,5 độ C.
2.6. Ngâm chân, tắm nước gừng cho trẻ
Ngâm chân, tắm nước gừng là những phương pháp chữa cảm lạnh, cảm cúm, sổ mũi cho trẻ được dân gian vẫn dùng từ xưa đến nay.
Theo quan niệm của Y học cổ truyền, gừng là một vị dược liệu có vị cay, tính ấm. Việc ngâm chân và tắm nước gừng sẽ giúp làm ấm cơ thể, đả thông kinh mạch, lưu thông tuần hoàn và giúp bé toát mồ hôi để tăng cường thải chất độc ra ngoài, đặc biệt hiệu quả khi bị cảm lạnh.
Dưới đây là cách mẹ cho bé tắm nước gừng đơn giản tại nhà:
- Bước 1 – Chuẩn bị gừng: Lấy 3 – 4 lát gừng, giã nhuyễn, rồi cho vào bát nước nóng và để 5 phút.
- Bước 2 – Pha nước tắm: Đổ bát nước gừng trên vào chậu nước ấm, có thể thêm một vài giọt tinh dầu dừa.
- Bước 3 – Tắm cho bé: Mẹ nên tắm cho bé trong phòng tắm, kín gió, vừa tắm vừa xông hơi trong khoảng 5 – 7 phút mỗi ngày.
Ngâm chân với nước gừng giúp giãn nở mạch máu, lưu thông tuần hoàn, giảm đau nhức và làm ấm cơ thể khi bị cảm lạnh. Mẹ tham khảo cách sau để cho con ngâm chân bằng nước gừng hiệu quả:
- Bước 1 – Chuẩn bị gừng: Lấy 2 – 3 lát gừng và giã nhuyễn.
- Bước 2 – Pha nước gừng: Đun một bát nước sôi và từ từ thêm gừng vừa giã vào. Sau đó hòa nước gừng trong chậu nước sạch với tỷ lệ sao cho nước ấm vừa đủ.
- Bước 3 – Cho bé ngâm chân: Đặt cả 2 bàn chân bé vào ngập trong nước gừng, cho con ngâm chân trong khoảng 5 – 10 phút.
2.7. Dầu gió có thể giúp bé thở dễ dàng hơn
Khi cảm lạnh, sử dụng dầu gió giúp bé thông mũi, dễ thở hơn.
Dầu gió có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, sát trùng, giảm đau, giảm ho và thông mũi ở trẻ bị cảm lạnh.
Nếu bé bị nghẹt mũi, mẹ có thể bôi dầu gió cho bé theo cách sau: Nhỏ 1 – 2 giọt dầu gió vào chén nước nóng bốc hơi, rồi đưa lại gần mũi để bé xông trong vòng 2 – 3 phút.
Mẹ không nên bôi trực tiếp dầu gió lên lỗ mũi bé. Bởi dầu gió có tính cay nóng, trong khi da và niêm mạc mũi bé còn non và mỏng. Nếu bôi trực tiếp lên da hay niêm mạc mũi có thể gây phỏng.
2.8. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị virus gây bệnh cảm lạnh. Đa số các biện pháp điều trị đều là giảm nhẹ triệu chứng và nâng cao sức khỏe để người bệnh tự khỏi bệnh.
Bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống chọi với tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc hiệu diệt trừ virus gây bệnh cảm lạnh. Cho nên việc nâng cao sức đề kháng, kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại virus là điều hết sức quan trọng.
Để làm được điều đó, mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ khỏe mạnh, có sức chống chọi với bệnh tật.
Mỗi bữa ăn, mẹ nên bổ sung vào thực đơn của bé những món ăn có chứa đầy đủ:
- Protein: Thịt lợn, thịt bò, trứng, sữa, sữa chua…
- Chất béo tốt: Cá, trứng gà, quả bơ, vừng, lạc…
- Chất xơ: Các loại rau củ như súp lơ, rau cải, bắp cải, su hào…
- Tinh bột: Cơm, khoai lang, bún, mì gạo…
- Vitamin và khoáng chất: Cam, xoài, ổi, bưởi, táo, cà chua…
3. Bé bị cảm lạnh sổ mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?
Thông thường, cảm lạnh sau hết sau 10 – 14 ngày. Mẹ có thể chăm sóc và điều trị cho bé tại nhà.
Tuy nhiên, có một số trường hợp cảm lạnh mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay:
- Trẻ sốt cao liên miên (trên 38,5 độ C) trong vòng 48 giờ không hạ khi đã sử dụng đủ liều thuốc hạ sốt.
- Sau 7 – 10 ngày các triệu chứng như sổ mũi, ho, đờm nhiều, khó thở… không đỡ mà trở nên rầm rộ và nặng hơn.
Chia sẻ: Trẻ bị sổ mũi có nên tắm? Kinh nghiệm tắm cho trẻ
Tóm lại, bé bị cảm lạnh sổ mũi tuy là tình trạng thường gặp ở trẻ nhưng mẹ cũng không nên lơ là. Hy vọng với những chia sẻ trên có thể giúp mẹ biết cần làm gì mỗi khi con cảm lạnh sổ mũi.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, mẹ vui lòng liên hệ ngay tới Fysoline để được giải đáp và tư vấn kịp thời.
Trả lời